Saturday, October 11, 2014

[Ca dao] Ví…dầu…cầu ván…


(hình ảnh từ internet)

“….Ví dầu cầu ván đóng đinh,
Cầu tre lắt lẻo gập ghềnh khó đi…..”

Từ thuở bé, tôi đã nghe câu ca dao miền Nam, nghe đến thuộc làu làu. Nhưng không hề ngờ rằng, nó còn có cả một phiên bản khác. Và phiên bản sau mới “rặt miền Nam”.

” ….Ví dầu cầu ván đóng đinh,
Cầu tre lắt lẻo rập rình khó đi
Khó đi mượn chén ăn cơm,
        Mượn ly uống rượu, mượn đờn kéo chơi ….”

Hình ảnh cầu ván đóng đinh và cầu tre với chúng ta cứ như hao hao nhau. Đều là những chiếc cầu quê mùa, sao bằng cầu bê tông bây giờ. Nhưng nếu theo dòng lịch sử về miền Nam ngày trước, thì hẳn mọi người sẽ ngạc nhiên vì cầu cũng hai ba loại. Có cầu ván đóng đinh, cầu tre lắt lẻo, và cả cầu dừa. (Cầu tõm thì không tính vào đây).

Trong ba loại, cầu ván đóng đinh là hạng sang nhất. Bằng phẳng, vững chãi, dễ đi nhất. Chỉ những nhà giàu có mới có thể bắc loại cầu này. Đã là ván, lại đóng thêm đinh thì làm sao rẻ được. Nên nhớ rằng, đinh thời xưa và đinh bây giờ nó khác nhau về giá cả. Kế đến là cầu tre lắt lẻo mà ta vẫn thường gọi là cầu khỉ. Rất khó giữ thăng bằng trên một thanh gỗ nhỏ, thường thì cầu khỉ có tay vịn. Khó đi nhất phải kể đến cầu dừa. Cầu dừa đương nhiên làm từ thân dừa. Thân dừa tuy to, nhưng ác ở chỗ nước chìm cầu dừa chìm, nước lớn là dừa sẽ nổi theo nước. Dừa nổi trên mặt nước, đôi khi thân dừa tròn xoay mòng mòng, đố ai đi được. Dân phố về mà gặp cầu khỉ và cầu dừa thì chỉ có nước cởi giày, miệng khấn và … bò qua.

“Rập rình ” tính từ chỉ tình trạng nhấp nhô trên mặt nước. Nhưng chẳng người miền Tây nào lại cuốn lưỡi “Rờ…ập Rờ…ình” cả nên cứ “gập ghình” mà sau này biến thể thành “gập ghềnh”. Đã rập rình thì hẳn nhiên chẳng dễ đi, nhưng chuyện lẻ tẻ này sao cản được cái chuyện đi “mượn chén ăn cơm, mượn ly uống rượu rồi mượn luôn đờn để kéo chơi”. Nghe có vẻ hợp lý đấy nhỉ. Vì ấn tượng của mọi người về nông dân miền Tây hồi xưa là nghèo, tuy đất đai trù phú, nhưng vẫn nghèo. Mà theo lẽ thường dẫu có nghèo mấy, chẳng lẽ đến cái chén, cái ly trong nhà cũng không có? Dẫu cho chỉ là cái chén mẻ, cái ly sứt…Thế thì tại sao phải đi mượn chén ăn cơm, mượn ly uống rượu?

Đến vế “mượn đờn kéo chơi” thì mọi chuyện sáng tỏ hết. Ra đi mượn cái này, mượn cái kia đều là một “cái cớ”, cái cớ để sang nhà hàng xóm tụ tập làm vài ba ly, để được đàn đúm khuây khỏa sau một ngày lao động mệt nhọc, hay đơn giản là cho khỏi chán. Thuở xưa nhà lưa thưa, nhà này qua nhà kia cách sông cách ruộng, không khỏi khiến người dân cảm thấy hiu quạnh. Thôi thì rảnh rang cứ qua nhà hàng xóm làm vài ly, đờn vài bản cho nó sảng khoái. Cái tình làng nghĩa xóm cứ thế mà thêm đậm đà.

No comments:

Post a Comment