Saturday, January 10, 2015

[Trans] Cây sẻ, và cơn mơ (麻雀樹,與夢)

Nguyên tác:〈麻雀樹,與夢〉《麻雀樹》
Nhà văn:      鍾怡雯/Chong Yee-Voon
Nhà xuất bản: Chiuko- Taiwan
Bản dịch nhằm mục đích giao lưu, phi thương mại. Mọi bản quyền thuộc về tác giả. (Mà tui chưa hỏi ý tác giả, nên chắc bị gỡ xuống sớm)

Người dịch: Messy Panda
Cảm hứng: bị cảm cái quan điểm nhân sinh, nỗi đau tử biệt trong tác phẩm; được cái hứng nữa, thiệt ra là mấy bữa nay đường nghiên cứu bế tắc, nên quay ra nở hoa văn học. (Hô, ai dè hoa giả. )


Cây sẻ - Chong Yee-Voon
Nguồn ảnh: Báo Tự Do

Đêm tỉnh giấc, thảng nghe như có tiếng chim sẻ. Định thần lắng nghe, lặng tờ. Loài chim không bị mất ngủ, không giật mình thức giấc lúc nửa khuya, do tôi giấc chập chờn, cứ hay ngỡ rằng trời sắp sáng, nên mới vừa tỉnh đã nghe nhầm. Sẻ về khu xóm ngày càng nhiều, lũ chim nhiều chuyện lại dài hơi, cực thích gọi bè kéo bạn, một con chim sẻ cũng đủ hạ gục tiếng hót thánh thót của mười con họa mi xanh, nghe đủ hai mươi bốn tiếng, nghe suốt cả ngày dài tháng rộng, tiếng hót của lũ chim đã đọng lại tai tôi, rồi tự động phát lại điệu du dương trong óc, bất kể chim nó có hót thiệt hay không.

Chuyện hồi năm kìa, hồi bốn cây cau kiểng cao bằng tòa nhà hai tầng ở đầu xóm vẫn còn xanh rì, lũ sẽ chia bè ra ngủ đêm trên cây cau kiểng và cây bàng. Sau cùng thì cau kiểng bị cưa đổ, còn trơ mỗi gốc. Cây đổ bóng mất, bức tường gạch đỏ chói loe dưới ánh mặt trời, vòng năm sót lại nơi gốc cây lặng lẽ nhìn trời xanh.

Khi không khi lành sao tự nhiên lại cưa cây? 

Hỏi người hàng xóm, bảo là nhà láng giềng kia chê lũ sẻ kêu điếc tai, nghe biểu là gốc cau làm tổn hại móng nhà, nhân lý do đó mà chặt mất cây. Đây chỉ là cái cớ. Kẻ ác thật ra là lũ chim sẻ trú ngụ trên cây cau kìa. Cây cau kiểng bị vạ lây, uổng mạng. Ai biểu cây cau lại mọc ngay đối diện nhà ổng, còn cho lũ sẻ ngủ nhờ, nên đành phải chết. Nhiều lần trên ban công lầu ba, tôi thấy người láng giềng đó cầm cây tre múa may loạn xạ cứ như cầu cơ. Ổng đánh không khí? Ban đầu tôi thấy ngó nghiên chuyện riêng tư nhà người ta là trái lẽ nên rúc ngay vào nhà, như bộ nên có trách nhiệm với cái sự tình cờ không hay đó.  Vài ba lần nữa cũng thế, rồi tôi cũng không ghìm được sự tò mò.



Đuổi chim sẻ, ông bảo,lũ chúng nó ồn ào quá trời. Hả? Tôi nghẹn lời. Thì ra tiếng thánh thót trời cho đó cũng có lúc bị chê, kiểu như tiếng mưa rơi lớn quá tiếng gió mạnh quá, hoặc như tiếng gà gáy sớm quá quấy bĩnh giấc ngủ người ta. Về đêm, sẻ về ngủ trên cành cây, một con sẻ thôi cũng đủ nhiều lời, hơn năm mươi con chim sẻ giọng thăng giọng trầm,  cái cảnh ấy, có lẽ đúng là ồn thật. 

Nhưng mà ông anh láng giềng cầm tre đuổi sẻ cũng ít có "thần kinh" quá. Cây tre của ổng xua xua phía trên ban công, xua được mỗi lũ muỗi đen ngòm bay vòng vòng chứ sao đuổi được chim sẻ? Với lại, giây phút hoàng hôn ngắn ngủi, lên ban công không ngắm bóng mây cảnh trời, lại đi nổi điên với lũ chim sẻ? Đến Nhóc nhà tôi còn biết lên ban công thưởng hoa ngắm chim coi dơi, thoảng ngửi mùi bí ẩn gió đêm mang đến, nhìn ngắm máy bay hạ cách hoặc cất canh phía xa tít khung trời. Mèo còn biết nhìn về những điều tốt đẹp. Tôi luôn cho rằng chim sẻ và cau kiểng đều là vật thế thân, chân dung kẻ thủ ác, e ràng chính là cái bóng ma khiến ổng nhìn gì cũng gai mắt. Ổng nên giết con ma trong tim mình trước, chứ không phải cây cau vô tội kia. 

Huống hồ là vào lúc hoàng hôn. Ngày tàn, đêm đến, thời khắc thả lỏng cả người. Quay về tổ ấm, nấu cơm dọn dẹp ngả lưng nghỉ ngơi, đi dạo nhổ cỏ ngắm ánh tà dương. Hoặc không làm gì cả, chỉ nằm dài trên so-fa. Trước khi đêm đến, chỉ một khoảng thời gian mơ hồ ngắn ngủi, thích hợp làm vài chuyện không cần đầu óc. Đương nhiên, tốt nhất là chẳng làm gì cả, đợi lũ chim sẻ gọi màn đêm về.


Bà Chung thường hay bấm chuông cửa vào thời điểm này, tặng vài thứ cây nhà lá vườn, như vài bó rau người thân trồng, thỉnh thoảng là vài cái bánh màn thầu bạn bà làm. Một năm bốn mùa mùa nào bà ấy cũng có của ăn của cho, tới mùa cây trái là thôi rồi đầy những quả, tôi nhận ít một tí còn bị la, biểu không cần là bả lại làm dữ hơn nữa. Nhìn bà tôi lại nhớ đến bà nội. Phụ nữ Khách Gia. Da đen nhẻm. Cả ngày không ngơi tay, lúc nào cũng quay như chong chóng. Tôi cao hơn bà nửa đầu, nhưng trời sinh bà dáng lao động, xương to chắc hơn tôi, có điều người không thịt thà gì, gió thổi qua, chiếc áo sơ mi rộng thùng thình của bà, như mắc trên giá áo mà đi. Bà nội tôi tính tình cố chấp, nhưng gặp bà này, cũng đành cam dưới cơ. Kể ra bà cũng lì dữ lắm, bệnh nặng nhẹ gì cũng cố kênh mình, đau cỡ nào cũng chịu được. Nhức răng hơn bảy ngày trời, dạ dày đau chừng cả tháng. Có đợt lòng bàn chân sưng chù vù lên, bà ở miết trong nhà không thèm ra ngoài. Tôi đi hốt thuốc Bắc, lấy thêm mấy miếng vải thuốc về cho bà. Tôi ngó qua thấy bà dựa lưng vào so fa đan len, mở máy tính xách tay, bật cả ti vi kênh thời sự. Một công hai ba chuyện, chắc là để phân tâm, đỡ đau chân hơn. Bữa sau qua nữa, mới có một đêm mà đỡ sưng hẳn. Cỏ thuốc tươi nên nhanh lành bệnh, đợt thuốc thứ hai bà nhận ngay không nói lời nào.


Tôi cũng là phụ nữ Khách Gia, cũng không hiền gì.


Có khi tôi ở trên lầu, bà bấm chuông để đồ ngay trước cửa nhà, gọi điện dặn dò, đồ để trước cửa nhớ lấy đó. Không dư một lời, nói xong cúp máy ngay, không để tôi kịp hỏi đồ gì để trước cửa. Từ ban công lầu ba, tôi nói với tiếng cám ơn, rồi tò mò xuống nhà dưới, dù sao cũng có quà, nói chi nhiều, cứ nhận đi đã. Nếu đèn nhà trệt mà sáng, bà vào nhà nói chuyện chơi vài câu. Thỉnh thoảng chiều tà tôi ngả lưng dậy, cũng cùng bà đi dạo vườn trong chung cư. Bà rành chuyện đầu làng cuối xóm, chuyện to chuyện nhỏ hỏi bà, triết lý cuộc đời cũng hỏi bà, cho dù không hỏi, bà cũng lật lại mấy chuyện con con hồi năm nảo năm nao. Nhà đó ấy hả, bà chỉ khu nhà vườn mọc đầy cỏ dại, con trai nửa đêm bỏ nhà đi, bà mẹ còn chạy ra ngoài trách bảo vệ mở cửa cho nó đi. Bả làm vậy coi có phải lẽ không? Hồi nào vậy? Đâu cũng vài tháng trước rồi.


Lúc đó, tiếng nhạc xe rác văng vẳng gần xa, lũ sẻ đua hót mừng hoàng hôn buông xuống.


Tôi chưa bao giờ thấy lũ sẻ ồn, nhiều lắm thì thấy nhoi tai. Nhoi tai còn chút gì đó tinh nghịch, từ ồn ào hóa ý không hay.


Đốn ngã cây cau, lũ sẻ cũng không phản kháng gì, ngoan ngoãn dời qua sáu cây bàng kế bên. Khu xóm này cứ như công viên với đủ các loài chim, đủ các kích cỡ, lớn có bồ câu bồ các chim cưu, vừa vừa có sáo đen chào mào, nhỏ thì có chim họa mi, đủ loại để nghe để ngắm, thường khiến tôi phân tâm. Cây bàng giống như sảnh hữu nghị, nói ồn, chắc nhà tôi ồn nhất xóm.


Chim sẻ thích trò chuyện, từ hừng đông nói suốt tới chiều tà. Nói thật lòng, chúng nó còn nhiều chuyện hơn mấy bà mấy cô trong xóm. Lũ chim nói gì mà huyên thuyên  hoài không thôi vậy? Nếu lũ sẻ nó mà có triết lý cuộc đời, chắc là "sống, là phải nói chuyện", ngay lúc bay lượn cũng "cha cha cha" không ngớt. Nhà tôi ngay đối diện với bốn cây bàng, chuyện riêng của lũ sẻ lúc nào cũng văng vẳng bên tai. May là tôi không hiểu tiếng chim, tụi nó nói chuyện gì mặc kệ, tôi làm công chuyện ngủ ngon lành. Lỡ mà nghe hiểu tụi nó nói gì, chắc tôi khỏi sống ở khu này nữa, suốt ngày nghe tiếng chim, sao mà sống cho ra dáng người?


Lũ chim thường dậy sớm, tùy vào mặt trời lên và mùa trong năm. Cuối xuân vào hạ, sớm tinh mơ bốn giờ mấy năm giờ, đã nghe tiếng chim trầm bổng, tiếng sẻ hót xa xa truyền lại như chuông báo thức vừa đủ lớn, không xa cũng chẳng gần, hễ nghe thấy lòng tự hiểu, ừ, trời sáng rồi.


Mùa xuân năm ngoái, sáng sớm sau khi trở về từ Ipoh, tôi lên lầu ba tưới hoa, hửm, có gì đó kỳ kỳ?


Tường gạch. Bức tường bỗng dưng hiện rõ mồn một trước mặt ? Ngơ ngác mấy giây, tôi bừng tỉnh, à, cây bàng. Cây bàng bị cưa ngang hông. Cao chừng bốn tầng lầu nay chỉ còn hai, thân cây chĩa thẳng lên trời, không cành trọi lá, nên bức tường gạch đỏ sáng bừng dưới ánh nắng ban ngày. Cây ốm yếu thoi thóp, ôm nỗi khổ không nói nên lời. Lũ sẻ không còn chỗ dừng chân, tầm mắt của tôi cũng mất luôn điểm đậu. Đứng từ lầu mấy nhìn ra ngoài trời, cũng thấy trống huơ trống hoác, như tâm trạng chính mình. 


Sao cứ mổ xẻ mấy cái cây hoài?


Tôi không nỡ chê tụi nó xấu, nhưng mà hễ nhìn tới, vẫn thấy cái cây này coi không lọt mắt chút nào. Ít gì cũng chừa lại vài nhánh cây chứ? Cưa sao mà cây chẳng ra cây. Không còn nhánh cây, lũ sẻ biết ở đâu? Mùa đông tụi nó ở trên mái nhà, chỗ nào trong xóm có mái ngói, tụi nó đều làm tổ. Nhưng mùa hè thì đâu được, tụi nó phải đung đưa trên nhánh cây.



Ngày nào tôi cũng thẫn thờ nhìn đám cây bàng trọc lóc, cây cúc anh đào vẫn như ngày nào, chớm vài ba nụ rồi mọc đầy lá xanh, như nắn nhầm, làm như chuyện đâm chồi nảy lộc mới là chuyện chính của nó. Chắc tại đặt nhầm tên, chúng tôi thường gọi nó là cây anh đào nhỏ. Gọi riết mà nở cái bông cũng nhỏ mọn. Cây anh đào Yoshino thì nở hoa rực rỡ. Cái tên anh đào lớn đặt vậy mà hay, hoa nở chi chít, lá to lá nhỏ đùm đề.

Qua mấy mùa mưa gió hoa nở hoa rơi, hai cây anh đào lá xanh xum xuê hồi nào không hay. Quay về rồi, lòng còn nặng lo cho mẹ. Ra đi hai mươi mấy năm, lần đầu tiên về lại Malaysia dịp thanh minh, chẳng phải để tảo mộ hay cúng tổ tiên, mà lo lắng lỡ mẹ có mệnh hệ gì. Sau ca phẫu thuật, chỉ còn lại người mẹ không đi được cũng chẳng nói ra lời, không thể mất đi nửa mạng còn lại này. Sau tiết thanh minh, trên máy bay quay về Đài Loan, tôi quyết định buông tay. Bằng nhiều cách mẹ đã nói tôi hay, mẹ phải đi rồi.


về đến thấy cây bàng bị cưa mất nửa. 


Có hôm tôi dọn dẹp lại mớ đồ cũ trên lầu hai, tự nhiên thấy nhánh cây anh đào Yoshino rung rinh ngoài cửa sổ lầu hai, nhánh lá xum xuê quệt qua khu vườn nhỏ trong với đám tre trúc bên ngoài khu nhà, mấy cao ốc phía xa xa, và bầu trời áng mây tít mù khơi.


Cây cứ rung rinh, gió múa may ngàn điệu từng giữa khe lá, cành cây, tôi nhìn chăm chú, thẫn thờ, trong đầu toàn vẻ mặt đau khổ nói không nên lời của mẹ, như những cái cây tai họa khi không giáng xuống đầu.


Ngắm cây và ngồi thẫn thờ, là những chuyện tôi thường làm, trong giai đoạn trước và sau khi mẹ mất.


Lúc thẫn thờ cũng là lúc ngắm cây dòm chim sẻ, trăm ngàn suy nghĩ quay mòng trong đầu. Thế giới này vẫn quay, mà sao một góc trong tôi đã bắt đầu sụp đổ. Tôi thường đứng trên ban công lầu ba. Bà Chung ngồi trước cửa xếp lại mớ rau, có khi bà gọi tôi qua lựa, hoặc lấy giấy bảo gói ghém kỹ càng, bỏ bịch ny-lông xách tay, mặt tỉnh bơ đi qua phía nhà tôi. Chưa tới sáu mươi, lưng bà đã còng, đi như người già ấy. 


Lần sau nữa khi tôi từ Ipoh về, cúc anh đào và anh đào Yoshino tán lá xanh um tùm, cây bàng thoi thóp mọc ra nhánh mới từ chỗ bị cưa. Sau khi mẹ ra đi, thế giới này như mất đi trọng lực, chân đi mà không chạm đất, hoàn toàn trái ngược với cảnh bà Chung bị lực hút trái đất giữ chặt không buông. Mẹ vừa buông tay, tôi như con diều đứt dây lơ lửng lửng lơ, không biết chừng nào mới rơi xuống, rơi xuống nơi đâu. 


Thế là ngắm cây. Ngắm cành ngắm lá, ngắm cả gốc cây sâu dưới đất. Có gốc có gác tốt biết bao. 


Có bữa chiều tà đi dạo trong khu xóm, dưới ánh đèn mờ ảo bỗng thấy từng hột từng hột nở đầy trên cây anh đào Yoshino, đến gần xem, ô, chim sẻ.  


Cây anh đào Yoshino nở đầy hoa sẻ. 


Không chỉ đâm chồi ra hoa kết quả anh đào, đêm về, cây này lại nở ra một lũ chim sẻ, ngày hôm sau mặt trời lên, tan biến nhanh như những giọt sương, cành ra cành, lá ra lá, khiến ta không khỏi ngờ rằng cây sẻ tối qua chỉ là cơn mơ. Ước gì chuyện mặc đồ tang cho mẹ lúc tàn canh cũng là mơ, sáng ra, lại có thể gọi điện kêu tiếng mẹ. 


Giấc mơ cây sẻ kéo dài hơn một tháng. Nếu đúng là mơ thì cơn mơ này hơi bị dài. Từ cuối tháng tư đến đầu tháng sáu, đêm nào tôi cũng tựa vào cửa sổ lầu hai, nhìn đến ngây dại. Trên cây, chắc có cả trăm con chim sẻ?


Hèn gì gần lúc hoàng hôn là đua hót ríu rít, thì ra lũ sẻ đã dời qua cây anh đào Yoshino. Lũ sẽ này, chậc. Người hàng xóm đang đợi xe rác nói, tụi tôi thấy từ lâu rồi. Bà bạn nhà bên bảo, sáng sớm tinh mơ là tôi bị tụi nó lôi dậy. Bà ngủ ở lầu ba, cửa mở ra thẳng ban công, ngay đối diện cây anh đào Yoshino nhà tôi. Cũng tốt, vậy thì ngủ sớm dậy sớm, mà có ngủ trễ thì cũng phải dậy sớm.  Cây anh đào nở hoa, nhà bà ngắm hoa đẹp nhất, đứng ngay cửa sổ là ngắm trọn cây bông. Mùa xuân nhà bà đẹp nhất xóm này. Ngắm hoa đẹp, nghe chim kêu, công bằng quá đi chứ. Cuộc đời mà.  


Ồn nhất không phải buổi sáng, mà là lúc hoàng hôn. 


Lũ sẻ giành chỗ lúc nào cũng loi nhoi. Chạy lên chạy xuống chọn lựa đông tây, đổi chỗ miết, có khi đổi bảy tám lần mà cũng chưa xong. Chọn chỗ miệng kêu rối rít đã đành, lúc giành chỗ đánh nhau thì khỏi phải nói, giọng vừa giận dỗi vừa vội vã như đang chửi nhau, nghe mà hiểu tiếng chim chắc điên mất. Nhóc nhà tôi thì không nghĩ vậy, lũ sẻ mà tới thì nó cũng nhao nhao, bắt đầu kêu một tràng tiếng chim nhịp điệu quái gở. Tôi học tiếng Pháp,  mèo học tiếng chim. Nó mà học thành tài thì cuộc sống của tôi lộn tùng phèo mất. 


Lũ sẻ hết ồn, màn đêm, cũng vừa buông đầy.  


(còn tiếp 2015/1/11)


Ban ngày lũ sẽ cảnh giác dữ lắm, động chút là tụi nó nghi ngờ liền. Đêm về đứa nào cũng gan hẳn ra, có lẽ ỷ vào màn đêm che chở, nên không thèm đề phòng con người. Hồi tụi nó còn đậu trên cây bàng, chỉ nghe tiếng hót không thấy chim đâu, cây bàng cao mà tán lá cũng khít. Giờ tụi nó hiện hình dưới ánh đèn mờ ảo, cả xóm hùa nhau ra xem cảnh "chim sẻ ngủ", chỉ trở này nọ, miệng tấm tắc khen, ôi chao dễ thương quá.


Lũ sẻ ngủ rúc đầu vào ngực cả người tròn quay, ngủ ngon lành, tự do là thế, nếu là mơ, ắt hẳn là giấc mơ ngọt ngào sẽ khiến người ta mỉm cười tủm tỉm. Hoặc giả, mượn lời của hàng xóm, là một giấc mơ dễ thương.


Chim sẻ không những dễ thương, mà còn rất thông minh. Tụi nó lựa đi lựa lại, đều lựa chỗ dưới tán lá của cây anh đào Yoshino, trời mà mưa, có mấy tầng lá chắn tự nhiên che mưa cho chúng. Từ lầu hai tôi ngó ra, dưới màn mưa đêm lũ sẻ cứ trơ ra đó, giọt mưa rơi trên tấm dù xanh trên đầu con sẻ, rồi trượt dài xuống.


Mắc gì lại đi lo lũ sẻ mắc mưa? Coi mòi tụi nó ngủ còn ngon hơn tôi nữa.


Sẻ trong mưa đêm. Tôi kể chuyện hay ho hôm tối cho bà Chung nghe, buột miệng hỏi sao lũ sẻ không chịu qua ở cây này, tay chỉ về hướng cây cúc anh đào um tùm những lá, cây này nở hoa sớm hơn anh đào Yoshino một tháng, giờ mọc lá chi chít, như cây dù xanh lá. Cành cây nghiêng, móng chim khó bắt cành. Đó, thấy chưa, nghiêng chiềng vầy sao mà ngủ? Đúng là cành cây cúc anh đào chĩa nghiêng xuống như sườn của cây dù. Bộ kiếp trước bà là sẻ hay sao? Tôi quay đầu qua. Cũng có thể cúc anh đào cao có một tầng lầu, lũ sẻ thấy không an toàn.

Bà chán đề tài chim sẻ, hỏi ngang, mẹ con qua đời rồi à? Không nghe con nói gì hết à. Như thể kìm nén lâu ngày, mặt tôi xụ ra. Nói ra mẹ con cũng không sống lại được, tôi cười. Bà cười không nổi.

Lũ sẻ kêu inh ỏi khắp khu xóm, tụi nó lại đua nhau giành chỗ nữa rồi. Bà nói, hồi mấy năm trước có gặp mẹ tôi một lần. Năm đầu tôi dọn về khu xóm này, ba mẹ có theo đoàn du lịch sang Đài Loan chơi, ngủ một đêm thẳng giấc trong ngôi nhà con gái mua. Có lẽ, cũng đi dạo quanh khuôn viên xóm. Lúc đó, chưa có cây anh đào Yoshino. Cả xóm cũng chỉ mới có bảy, tám hộ.

Có lẽ mẹ không tài nào ngờ rằng mười năm sau, bóng cây rợp cả khu vườn, sẻ đậu đầy trên cây. Mẹ chỉ nghe tôi kể về bà Chung, bà hàng xóm thường tôi thường nhắc đến trong những cuộc nói chuyện điện thoại vượt trùng dương. Cũng là người Khách Gia, hay cho tôi đồ ăn. Tết đến còn hầm một nồi thịt ba chỉ bóng những mỡ đem qua cho, dưới mái nhà chung hai vợ chồng ngày nào cũng bê ra ăn, ăn tới hết tết rồi cũng nồi thịt còn đó. Mua gì đó đem qua cho người ta. Lần nào mẹ cũng dặn thế.


vào hạ, lũ sẻ quay lại cây bàng chớm đâm cành còn lưa thưa lá. Cây sẻ, càng như một cơn mơ, như chuyện mẹ tôi đã lìa xa. 


Có hôm tôi tưới hoa ở lầu ba, nghiêng người, một con sẻ đậu trên bụi tre kiểng. Hắn đang nhìn tôi. Khẽ giơ cao tay, không ngờ hắn nhảy lên lòng bàn tay, lúc lắc nhìn tôi, ánh mắt thơ ngây thuần khiết, nhìn thấu tim tôi. Nhóc à, mày đúng là không biết thế gian hiểm ác mà. Đầu của chim sẻ nhỏ xíu, bóng mượt. Mượt hơn cả đầu mèo.


Hắn vẫn không bay đi, nghiêng đầu, ngó tôi tiếp. Tôi cũng nghiêng đầu, nhìn hắn. Người và sẻ dòm nhau. Lúc đó, cả thế giới biến đâu xa thiệt xa.


Sau khi mẹ qua đời, lần đầu tiên, tôi rớt nước mắt. 


Đây không phải mơ, tôi chắc chắn.


Ngày ngày tôi vẫn tiếp tục ngắm cây, tiếp tục nấu cơm. Dần dà, bàn chân nặng lại. Tôi phải quay về với cuộc sống hằng ngày. Nhà tôi ở nơi đây. 


Tháng năm, 2013


(bản dịch hoàn thành:2015/1/13)


























1 comment:

  1. This comment has been removed by a blog administrator.

    ReplyDelete